Hội nhập mở ra cơ hội nhưng cũng gây khó khăn về dư địa trong các chính sách. Đặc biệt là những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho phát triển thị trường về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí và các ngành công nghiệp nói chung.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ, báo cáo chính trị Ban chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội 11 nêu vấn đề: Tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng mục tiêu này khó hoàn thành.
Nghị quyết Đại hội 12 đã điều chỉnh thành: phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân là do cơ khí chế tạo chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng phát triển công nghiệp. Báo cáo của bộ thể hiện 3 ngành cơ khí có thế mạnh là xe máy và linh kiện, cơ khí gia dụng và dụng cụ ô tô và phụ tùng chưa hẳn là trọng tâm cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Lĩnh vực nông nghiệp là máy gieo trồng và thu hoạch, máy xay xát lúa, đánh bóng gạo.
Từ những băn khoăn đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vì sao chưa phát triển được cơ khí chế tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa? Theo Bộ trưởng nên tập trung vào ngành nào để đột phá, thay đổi vị thế của cơ khí chế tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa?
Giải thích về những nội dung, những lý do trong thời gian vừa qua chúng ta chưa đạt được những mục tiêu của Đại hội XI đã nêu cũng như những mục tiêu trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là liên quan đến ba ngành quan trọng, các ngành cơ khí, cũng như cơ khí trong nông nghiệp và cơ giới hóa trong nông nghiệp, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Chúng ta có rất nhiều thực tế đang tồn tại trong phát triển công nghiệp cũng như công nghiệp cơ khí của Việt Nam.
Trước hết, điểm xuất phát chúng ta quá thấp so với mặt bằng chung của các nước, khi chúng ta đang phải hội nhập rất sâu rộng và cách mạng 4.0. Thực tế chúng ta đi chậm sau hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 3 thế hệ của công nghệ trong công nghiệp hóa. Bản thân chúng ta cũng chưa xây dựng và thiết lập được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất vật chất, trong đó có ngành công nghiệp. Như vậy, môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp cơ khí và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như ngành khác là chưa có điều kiện để phát triển.
Hệ sinh thái chưa đủ mạnh
Khi mà môi trường sinh thái này chưa có thì sự quan tâm chung của xã hội cho môi trường sản xuất công nghiệp và sản xuất vật chất là rất hạn chế, nó thể hiện rất rõ ngay từ trong khâu đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta, số lượng sinh viên, đầu vào của nguồn nhân lực hầu như cũng bị lệch, có sự thu hút rất ít với các sinh viên tham gia nghiên cứu và được đào tạo về công nghiệp, công nghệ, các lĩnh vực về sản xuất vật chất, đó là của các lĩnh vực về dịch vụ, các ngành kinh tế, thương mại, v.v. chưa kể những cơ chế và khuôn khổ chính sách của chúng ta để tiếp tục tạo dựng môi trường sinh thái này.
Cuối cùng, hội nhập cũng đã mở ra cho chúng ta cơ hội nhưng cũng lại gây rất nhiều khó khăn về dư địa trong các chính sách. Đặc biệt là những cơ chế và chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như cho phát triển thị trường về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí và các ngành công nghiệp nói chung.
Ở đây có những nguyên nhân mà chúng tôi nhìn nhận, trước hết nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, việc có những chủ trương của Đảng cũng như đường hướng và chiến lược phát triển của Nhà nước cụ thể hóa thì trên thực tế thời gian vừa qua chưa thực hiện nhiều và còn chưa có sự đồng bộ, trong đó cũng có trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý nhà nước là Bộ Công Thương. Thứ hai, cũng có sự chậm trễ và có tâm lý thụ động, chưa có sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp cũng như của các ngành, trong đó có các hiệp hội ngành hàng. Sự chủ động của doanh nghiệp trong tiếp cận với chính sách cũng chưa tốt.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Về định hướng trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ phải tập trung quyết liệt cho các ngành công nghiệp cơ bản và các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo hay các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những ngành công nghiệp hạ nguồn rất quan trọng như công nghiệp năng lượng, công nghiệp đóng tàu, chế tạo máy móc, thiết bị, ngành công nghiệp ôtô…
Bên cạnh đó phải khai thác tốt những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do ngay, ví dụ về những chuỗi giá trị mới trong cơ khí chế tạo vào trong ôtô, có điều kiện để tiếp cận với thị trường bên ngoài và thị trường lớn hơn sẽ là dung lượng để cho chúng ta phát triển mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp hỗ trợ sắp tới.
Điều quan trọng là chúng ta phải tổ chức thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và các chính sách của nhà nước, nhất là các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đã thể hiện rõ trong các nghị định về công nghiệp hỗ trợ, các chiến lược về ôtô cũng như một số các chiến lược và chính sách trong các ngành công nghiệp khác. Việc này rất cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành và của cả hệ thống chính trị để đảm bảo hiệu quả.
Thu Nga