Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc với hàng trăm nhà đầu tư Trung Quốc. Bình quân một tuần tôi tiếp từ 5-8 nhà đầu tư Trung Quốc. Hầu như ngày nào cũng có nhà đầu tư đến. Thậm chí, có cả nhóm đầu tư đi cùng nhau thành đoàn gồm 15-20 doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phương-Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ (Hải Phòng) cho biết.
Mỗi tuần tiếp 5-8 nhà đầu tư
Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng đầu năm năm nay đạt 11.698 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018. FDI thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.785,6 triệu USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Thành Phương-Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ (Hải Phòng) cho biết: Nhìn chung, hiện nay làn sóng các nhà đầu từ FDI đang tìm hiểu đầu tư tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Tập đoàn Sao Đỏ làm chủ đầu tư-PV) cũng như tại địa bàn thành phố Hải Phòng nói chung tăng lên khá nhiều. Lượng các nhà đầu tư hiện nay đến tìm hiểu đầu tư tăng lên gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn trong số đó là nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Cụ thể, trước đây tỷ lệ nhà đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm 40% thì nay đã tăng lên 70-80%. Có nghĩa là, trước đây 10 khách hàng của Tập đoàn Sao Đỏ có 4 khách hàng Trung Quốc thì nay trong 10 khách hàng, có tới 7-8 khách hàng Trung Quốc.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc với hàng trăm nhà đầu tư Trung Quốc. Bình quân một tuần tôi tiếp từ 5-8 nhà đầu tư Trung Quốc. Hầu như ngày nào cũng có nhà đầu tư đến. Thậm chí, có cả nhóm đầu tư đi cùng nhau thành đoàn gồm 15-20 doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phương tiết lộ.
Với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc nay sang tìm hiểu, xem xét thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phương cho hay, đây chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ không nói rằng dịch chuyển đầu tư mà chỉ là mở rộng đầu tư sản xuất khi vẫn duy trì nhà máy ở Trung Quốc và mở rộng đầu tư sang Việt Nam. “Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là sự dịch chuyển. Có thể trong ngắn hạn, các nhà đầu tư duy trì hoạt động nhà máy tại Trung Quốc, mở rộng đầu tư thêm ở Việt Nam, song trong dài hạn, chắc họ sẽ đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc”, ông Phương nhận định.
Chiến tranh thương mại dẫn tới đầu tư né thuế?
Hiện nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đến tìm hiểu khu công nghiệp Nam Đình Vũ hoạt động trong những lĩnh vực khá đa dạng như: Sản xuất đồ nội thất, đồ dùng gia đình, đồ chơi, về phụ kiện dành cho điện tử công nghiệp ô tô…
Theo lời ông Nguyễn Thành Phương, có những DN cử chuyên gia sang làm việc 4-5 lần với Tập đoàn Sao Đỏ, tiến hành khảo sát, so sánh về địa chất, về điều kiện, nguồn vật liệu đầu vào, điều kiện về giấy phép, pháp lý… nhưng cũng chưa quyết định đầu tư. Trung bình với nhà đầu tư Trung Quốc, tối thiểu cần khoảng thời gian từ 4-6 tháng để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cũng có những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, dù đã đến tìm hiểu gần 2 năm nay cũng chưa đưa ra quyết định.
Đề cập tới câu chuyện tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tới dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, chia sẻ với Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng cho rằng: Những rủi ro từ kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là chiến tranh thương mại có thể dẫn đến luồng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng nhanh do các nhà đầu tư muốn tránh thuế bổ sung khi XK sang Mỹ. Số liệu các tháng đầu năm 2019 cũng chứng kiến xu hướng tăng nhanh này. Tuy nhiên, cần chú ý là năm 2019 này Việt Nam cũng có hai FTA tạo thêm rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA). Vì vậy, rất khó tách bạch được tác động thật sự của chiến tranh thương mại tới đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam.
“Về nguyên tắc, có thể xem thêm về loại hình sản xuất của họ. Nếu là đầu tư lắp ráp dựa trên đầu vào linh kiện NK từ Trung Quốc thì có thể coi là đầu tư né thuế. Tuy nhiên, nếu các DN đầu tư để sản xuất đầu vào cho các DN khác thì cũng có thể coi là do tác động của FTA nhiều hơn. Mặc dù vậy, hiện nay chúng ta không có đủ thông tin để tách bạch nên cũng khó kết luận được là chiến tranh thương mại làm cho đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng bao nhiêu. Tất nhiên, về mặt logic, chiến tranh thương mại có thể dẫn đến kiểu đầu tư né thuế như vậy”, ông Thắng nói.
Hiện nay nhắc tới FDI từ Trung Quốc, câu chuyện thực tế đặt ra là chính quyền tại nhiều địa phương vẫn bày tỏ sự thận trọng, dè dặt, lo ngại nhà đầu tư có thể sẽ đem vào Việt Nam những công nghệ cũ, lạc hậu.
Bản thân ông Trần Toàn Thắng cũng đánh giá: Đây là mối lo ngại lớn hiện nay. Dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc (của cả DN Trung Quốc và DN FDI tại Trung Quốc), đặc biệt là những ngành công nghiệp thượng nguồn có thể kéo theo hệ lụy về quá tải với môi trường. Về quy trình đăng ký đầu tư, Việt Nam đã có những bước để kiểm soát điều này (ví dụ hội đồng thẩm định công nghệ, hoặc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường). Vấn đề đặt ra là liệu thực thi những bước này trong thực tế hiện nay ra sao?
“Thực ra về mặt pháp lý rất khó để có cơ chế sàng lọc riêng với các nhà đầu tư từ Trung Quốc do Việt Nam đã hội nhập và áp dụng đối xử công bằng với các nhà đầu tư. Vấn đề nằm ở khâu thực hiện, giám sát thực hiện các quy định cũng như ý thức của chính quyền địa phương liên quan đến thu hút FDI”, ông Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.
Trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Trong đó, Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 766,2 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là TP. HCM với 688,7 triệu USD, chiếm 8,3%; Tây Ninh 599,4 triệu USD, chiếm 7,25%; Bắc Ninh 597,6 triệu USD, chiếm 7,22%; Đồng Nai 541,9 triệu USD, chiếm 6,6%; Hải Phòng 412,4 triệu USD, chiếm 5%; Bắc Giang 400,1 triệu USD, chiếm 4,8%; Tiền Giang 346,9 triệu USD, chiếm 4,2%; Hải Dương 341,2 triệu USD, chiếm 4,1%; Bà Rịa – Vũng Tàu 332,6 triệu USD, chiếm 4%; Đà Nẵng 316,7 triệu USD, chiếm 3,8%; Hà Nội 269 triệu USD, chiếm 3,3%.
Theo Thanh Nguyễn
Theo Báo Hải quan